|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Trong tháng 10, theo báo cáo của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức
thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 cùng mức tăng 0,09% so với
tháng trước và so với tháng 12 năm trước - đều là mức thấp nhất trong
giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so
với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa là một điểm
sáng với mức xuất siêu kỷ lục, trên 18,7 tỷ USD. Nông nghiệp tiếp tục
giữ ổn định thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ
bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới
tháng 10 khởi sắc, tăng 18,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay
trở lại hoạt động tăng 10,4% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện từ
nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước tính đạt 52.000 tỷ đồng, tăng
42,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đánh giá, nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang
phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Tuy lũ lụt nghiêm trọng nhưng
khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%. Dịch bệnh COVID-19 cơ
bản được kiểm soát, tạo điều kiện tiếp tục khôi phục kinh tế. Lạm phát
được kiểm soát theo mục tiêu khi CPI tháng 10 chỉ tăng tăng 0,09% so với
tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong 5 năm
qua.
Thủ tướng cho biết, IMF đánh giá Việt
Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm
2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này,
quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt
Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực
Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng
trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021, hoạt động tiêu dùng gia
tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc
sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020. Ngân hàng Thế giới
dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5-3% năm 2020.
Tuy nhiên, nhấn mạnh tinh thần không chủ
quan trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Thủ
tướng cũng đề cập đến những rủi ro thách thức từ bên ngoài như căng
thẳng thương mại và công nghệ, bất ổn tài chính toàn cầu; ở trong nước
là thiên tai, lũ lụt. Ngành công nghiệp và xây dựng của nước ta tiếp tục
bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là một số đối tác lớn.
Lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng phục hồi chậm. Thủ tướng lưu ý Bộ Công
thương và các địa phương phải kích cầu tiêu dùng mạnh hơn.
Nhắc lại mục tiêu “tiếp tục thực hiện
mục tiêu kép thành công hơn nữa”, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa
phương tập trung, "dồn cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên
tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống
người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là
ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất.
Lưu ý về công tác phòng dịch, Thủ tướng
chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo
dõi y tế đối với người nhập cảnh. Cần tạo điều kiện hơn nữa cho các
chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước, “thần tốc, thần tốc hơn
nữa khi phát hiện có ca nhiễm”.
Trên tinh thần đó, cả hệ thống chính trị
nỗ lực đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng
trưởng 2,5-3%, nhất là nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại
sản phẩm ưu tiên. Tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng; thúc đẩy
mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa và tiếp tục khơi thông xuất
khẩu vào các thị trường trọng điểm.
Thủ tướng cũng nhắc lại nhiệm vụ tăng
cường giải ngân vốn đầu tư công gồm vốn ODA, tuy nhiên, cần bảo đảm chất
lượng, không hình thức, lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
khẩn trương chủ trì triển khai các chỉ đạo đã kết luận tại cuộc họp, dứt
khoát gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu và bộ máy phụ trách công
việc này. Các địa phương trọng điểm, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần
làm gương, cả về sản xuất, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, các địa phương trên cả nước, các ngành thúc đẩy mạnh mẽ hơn
nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI.
Đề cập đến xu hướng phát triển kinh tế
số, Chính phủ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Thủ tướng chỉ đạo
Bộ Thông tin và Truyền thông cần cải thiện hạ tầng số, công nghệ thông
tin, băng thông rộng quốc tế, hệ thống cơ sở để triển khai 5G quy mô
quốc gia…
Tại Phiên họp, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo
dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc rà soát
tiếp thu ý kiến, có điều chỉnh phù hợp với bộ sách giáo khoa lớp 1 với
tinh thần minh bạch, rõ ràng; có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh,
sinh viên các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương
trình, nội dung học tập./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/thoi-su/day-nhanh-tien-trinh-phuc-hoi-kinh-te-566876.html