Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA. (Ảnh: TTXVN)
Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư
giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một bên là Liên minh
châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (sau đây gọi tắt là
Hiệp định) được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam.
Về áp dụng điều ước quốc tế, Nghị quyết
nêu rõ, áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Hiệp định, trừ các khoản
2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định này; ban hành Nghị quyết
của Quốc hội về công nhận, cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ
quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định để thực hiện các khoản
2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định.
Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế,
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến
hành rà soát các các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình
hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban
hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực
hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết trong Hiệp định.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ
chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có
liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp
định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi
thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp
phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá
trình thực hiện Hiệp định, hạn chế tối đa các trường hợp tranh chấp với
nhà đầu tư mà phía Việt Nam là bị đơn; tuyên truyền, phổ biến kịp thời,
đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành
động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân; thường xuyên rà
soát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp
định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối
ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có
hiệu lực đối với Việt Nam.
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến
của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA do Chủ
nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, hầu hết ý
kiến các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao Tờ trình của Chủ
tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy
ban Đối ngoại của Quốc hội, tán thành phê chuẩn Hiệp định đồng thời với
Hiệp định EVIPA tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Có ý kiến đánh giá
cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình đàm
phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu
hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là
phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng,
trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng
32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu
chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD.
Việc phê chuẩn Hiệp định giúp thu hút
vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công
nghệ sạch từ các nước châu Âu./.
Nguồn: http://dangcongsan.vn/phap-luat/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-phe-chuan-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-evipa-556568.html