Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Pray – dút Chan-o-cha đã
ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN: Bangkok là nơi ký
Tuyên bố khai sinh ASEAN, một Hiệp hội khiêm tốn với 5 thành viên ban
đầu để dần phát triển thành một Cộng đồng 10 nước thành viên sống trong
hòa bình, ổn định, hợp tác với người dân ở vị trí trung tâm. Trong suốt
quá trình phát triển, ASEAN đã chứng tỏ là một nhân tố quan trọng chủ
yếu giúp các nước thành viên phục hồi nhanh chóng, vượt qua nhiều thách
thức như khủng hoảng tài chính, thiên tai, bão lũ... để đến hôm nay,
ASEAN là khu vực hòa bình, không có xung đột, tôn trọng lẫn nhau, đồng
thời một ASEAN vững mạnh và đoàn kết là nhân tố chủ đạo trong ổn định và
phát triển ở khu vực.
Với chủ đề
"Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững", ASEAN thể hiện ước mơ tiến
tới một Cộng đồng bền vững trên cả 03 trụ cột, hướng tới người dân, lấy
người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau; duy trì hòa
bình, ổn định và hướng tới tương lai; tranh thủ các cơ hội do CMCN 4.0
mang lại thúc đẩy kinh tế số, tăng trưởng xanh; tăng cường quan hệ với
các đối tác nhằm phát triển bền vững và giành vị thế toàn cầu cao hơn
cho ASEAN; thúc đẩy kết nối trong mọi lĩnh vực, tiến tới một ASEAN không
rào cản (seamless ASEAN). Thông điệp chính gửi đi là mong ước xây dựng
một ASEAN bền vững mọi mặt từ an ninh, kinh tế, an ninh con người... với
khái niệm "vạn vật bền vững" (Sustainable of Things - SOT), coi đây như
một ADN (gien) của ASEAN để tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau.
Trên cơ sở đó, Thái Lan bày tỏ sẽ tiếp tục kế thừa công việc của các
nhiệm kỳ chủ tịch trước đồng thời thúc đẩy các sáng kiến cụ thể: i/ An
ninh hơn: ứng phó tốt hơn với các thách thức về an ninh mạng với việc
thành lập Trung tâm an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản; đấu tranh chống tội
phạm xuyên quốc gia, tăng cường quản lý biên giới, bảo đảm an ninh trật
tự, tạo điều kiện cho người dân đi lại; tăng cường quản lý và cứu trợ
thiên tai với việc thành lập Kho vệ tinh tại Chai-nat giúp triển khai
nhanh các cứu trợ thiên tai. ii/ Thịnh vượng hơn: chủ nghĩa bảo hộ đang
tăng lên đòi hỏi ASEAN phải tăng cường hơn nữa sức mạnh nội khối. Việc
phấn đấu kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay sẽ tạo ra một khối thương
mại tự do lớn nhất thế giới, đây sẽ là vùng đệm giảm thiểu tác động tiêu
cực cho ASEAN trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các
đối tác thương mại chủ chốt; thúc đẩy kinh tế số, ứng dụng thành tựu của
CMCN 4.0 hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ, nông nghiệp thông
minh, chuỗi cung ứng, thu hẹp khoảng cách phát triển; kết nối tiểu
vùng, kết nối các kết nối; ứng phó với cơ cấu dân số già hóa với việc
thành lập Trung tâm tuổi già năng động ASEAN (ACAI). iii/ Thúc đẩy giao
lưu nhân dân, chọn năm 2019 là Năm Văn hóa ASEAN, hợp tác chống rác thải
biển, xây dựng các thành phố hiện đại ASEAN thông qua Mạng lưới các
thành phố thông minh ASEAN (ASCN)...
Tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các Nhà Lãnh đạo
ASEAN bấm nút khai trương Kho vệ tinh ASEAN đặt tại Tỉnh Chai-nat, Thái
Lan trong khuôn khổ hệ thống hậu cần ASEAN ứng phó với thảm họa thiên
tai nhằm triển khai nhanh chóng các nhu yếu phẩm cứu trợ đến các vùng
chịu thảm họa./.
Nguồn: dangcongsan.vn